Giá trị tác phẩm Bà Bovary

Là cuốn tiểu thuyết hay nhất mang tính chất hiện thực trong số ba cuốn tiểu thuyết ít ỏi của cuộc đời cầm bút Flaubert, Bà Bovary cũng đã báo hiệu những nét đổi mới của tiểu thuyết phương Tây hiện đại thế kỷ 20. Kể lại một cốt truyện với những mô típ lãng mạn đang thịnh hành đương thời, Flaubert đã vượt lên rất nhiều nhà văn khác nhờ bút pháp kể chuyện khách quan, nghệ thuật sử dụng lời kể gián tiếp để làm hé lộ dòng suy tư nội tâm của nhân vật, nghệ thuật di chuyển điểm nhìn và khả năng xử lý thời gian cực kỳ tinh tế, những đoạn đối thoại đặc sắc, ngôn ngữ trau truốt, ngoại cảnh tinh vi, chính xác. Nhiều đoạn miêu tả cảnh vật và đồ vật của tác phẩm đã trở thành mẫu mực, kinh điển trong văn xuôi Pháp...[3] Coi trọng sự chính xác của ngôn từ cũng như tính nhạc của lời văn, nên Flaubert viết rất chậm. Người ta còn kể rằng Flaubert từng đọc to những câu văn của mình để lắng nghe tính nhạc trong đó. Nhiều nhà nghiên cứu cũng từng cho rằng tác phẩm đã bộc lộ những giới hạn của Flaubert, như mầm mống suy đồi của chủ nghĩa hiện thực phê phán nửa sau thế kỷ 19 cùng với thái độ bi quan, chua chát. Các nhà nghiên cứu phương Tây đều đánh giá đây là cột mốc thứ hai sau Don Quixote (Cervantes) trên hành trình biến đổi diện mạo theo xu hướng hiện đại hóa của tiểu thuyết phương Tây.